Các môn thể thao Tranh cãi tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023

Vấn đề tên gọi bộ môn Muay Thái

Vào ngày 23 tháng 1 năm 2023, Campuchia đã tuyên bố bỏ môn võ Muay Thái để thay thế bằng "Kun Khmer" cho SEA Games 32,[9] nhưng thực chất đây chỉ là việc đổi tên Muay Thái thành "Kun Khmer".[10][11] Các quan chức Campuchia cũng đã khẳng định bộ môn võ này xuất phát từ người Khmer.[12] Việc thay đổi tên môn đã khiến Thái Lan tức giận và xác nhận không gửi vận động viên Muay Thái đến tham dự và tẩy chay môn võ "Kun Khmer".[9] Đáp lại, phía Campuchia cũng tuyên bố sẽ không cử vận động viên tham dự Muay Thái tại SEA Games 33 ở Thái Lan.[10]

Trước động thái của Campuchia, Liên đoàn Muay Thái thế giới (IFMA) đã gửi thư cảnh báo đến sáu liên đoàn thành viên trong khu vực rằng sẽ cấm các võ sĩ tham dự các giải đấu thuộc hệ thống Muay quốc tế nếu tham gia thi đấu môn Kun Khmer tại SEA Games[13], và đe dọa sẽ tố cáo vụ việc lên Ủy ban Olympic[14]. Mặc dù vậy, vẫn có 7 nước quyết định đăng ký thi đấu ở nội dung này[15]. Trưởng đoàn đội tuyển Kun Khmer Việt Nam Giáp Trung Thang nói rằng họ đã làm việc với chủ tịch IFMA và cho biết liên đoàn có cấm họ tham dự các giải quốc tế nhưng sau đó chấp nhận để họ thi đấu ở SEA Games[13].

Lộ slide PowerPoint trong lễ bốc thăm môn bóng đá

Chiều ngày 5 tháng 4 năm 2023, trong lúc tiến hành bốc thăm chia các nhóm hạt giống cho môn bóng đá nữ, ban tổ chức đã bất ngờ để lộ giao diện phần mềm PowerPoint trong lúc trình chiếu.[16][17] Việc này, cộng với kết quả bốc thăm có lợi cho đội bóng đá nam của nước chủ nhà trước đó đã dấy lên nghi vấn về việc ban tổ chức gian lận kết quả bốc thăm.[18] Tuy nhiên, theo một bài viết trên Zing News, phần mềm PowerPoint từ bản 2016 trở về sau đã có tính năng Keep Slides Updated, cho phép chỉnh sửa slide trong lúc trình chiếu.[19] Vì vậy mà không có đủ bằng chứng để kết luận Campuchia gian lận khi tổ chức bốc thăm.

Bốc thăm lại môn bóng chuyền nam vì thiếu đội

Sau buổi lễ bốc thăm chia bảng môn bóng chuyền nam vào ngày 5 tháng 4, Liên đoàn bóng chuyền Philippines (PNVF) đã tỏ ra ngạc nhiên khi đội tuyển bóng chuyền nam nước này không có tên trong danh sách bốc thăm, mặc dù phía Philippines cho hay họ đã đăng ký với ban tổ chức từ trước[20][21]. Nguyên nhân sau đó được xác định là do Ủy ban Olympic nước này (POC) mới chỉ đăng ký đội tuyển nữ mà bỏ quên đội tuyển nam, và chỉ đến ngày bốc thăm họ mới nhận ra sai lầm. Phía Philippines đã nhận lỗi và bày tỏ mong muốn được bốc thăm lại; họ nhận được sự đồng ý của 5/8 nước tham dự nội dung này[22]. Tuy nhiên, thay vì bốc thăm lại, nước chủ nhà đã xếp Philippines vào thẳng bảng A cùng với Indonesia, Campuchia và Singapore.[23] Bảng B đã được xác định từ trước với các đội Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Myanmar.

Thay đổi lịch thi đấu môn điền kinh

Ở nội dung điền kinh, ban tổ chức đã từng thay đổi lịch thi đấu trong ba ngày 8, 9 và 10 tháng 5. Tuy nhiên, trước ngày thi đấu 9 tháng 5, lịch thi đấu một lần nữa bị thay đổi. Điều này khiến cho vận động viên Nguyễn Thị Oanh (Việt Nam) phải đối diện với lịch thi đấu vô cùng dày đặc, khi phải thi đấu nội dung 1500m và 3000m chướng ngại vật trong vòng 20 phút. Với quãng nghỉ ngắn ngủi, Nguyễn Thị Oanh đã gây ngỡ ngàng khi liên tiếp về nhất ở hai nội dung đường dài này, với thành tích lần lượt là 4 phút 16 giây 85 và 10 phút 34 giây 39.[24] Thậm chí, cô đã phải xin hoãn kiểm tra doping ngay sau khi hoàn thành nội dung 1500m để có đủ thời gian chuẩn bị cho nội dung tiếp theo[24].

Sau sự việc, Giám đốc kỹ thuật môn Điền kinh tại SEA Games 32 đã gửi lời xin lỗi tới Liên đoàn Điền kinh Việt Nam và khẳng định, bộ phận điều hành không có ý định làm tổn hại các vận động viên tham dự SEA Games. Trước đó, vào tối ngày 9 tháng 5 đã diễn ra buổi họp giữa ban tổ chức môn điền kinh với các lãnh đội. Đại diện Việt Nam cùng các nước lên tiếng phản đối việc thay đổi lịch thi đấu liên tục làm ảnh hưởng đến chuyên môn của vận động viên. Đại diện Ban tổ chức môn điền kinh đã tiếp thu ý kiến của các đội và hứa không thay đổi lịch từ đây đến hết giải.[25]

Kình ngư Philippines thi đấu một mình vì sự cố xuất phát

Ở nội dung 100m bơi ngửa nam diễn ra ngày 6 tháng 5, kình ngư Jerard Dominic Jacinto của Philippines được sắp xếp xuất phát ở làn bơi số 2 cùng 7 vận động viên khác. Nhưng khi còi hiệu bắt đầu vang lên, thang đứng ở vạch xuất phát của Dominic bất ngờ gặp sự cố khi một bên dây giữ thang bị đứt và rơi xuống nước[26], khiến anh không thể thực hiện lượt bơi của mình. Anh được ban tổ chức sắp xếp thi đấu ở lượt tiếp theo, nhưng do lượt bơi vòng loại thứ ba đã đủ 8 vận động viên nên Dominic phải thi đấu riêng một lượt. Dù chỉ thi đấu một mình, anh đã dẫn đầu vòng loại với thành tích 56 giây 88[27].

Tuyển bóng chuyền nữ Campuchia hai lần bỏ cuộc

Dù là chủ nhà, đội tuyển bóng chuyền nữ Campuchia đã gây thất vọng khi hai lần liên tiếp vắng mặt taị loạt trận đấu phân hạng 5-8 của môn bóng chuyền nữ mà không thông báo với ban tổ chức. Ở trận đấu đầu tiên gặp Malaysia ngày 13 tháng 5, họ đã không có mặt trong khi Malaysia đã tiến hành các thủ tục thi đấu từ trước, dẫn đến việc đội bóng này phải tự chia đội hình đấu nội bộ với nhau như một buổi tập[28]. Một ngày sau đó, Campuchia tiếp tục bỏ trận tranh hạng 7 với Myanmar khiến đối thủ phải chờ đợi suốt 1 tiếng đồng hồ trước khi đội Myanmar chụp ảnh lưu niệm và ra về, còn sân bóng chuyền trở thành nơi thi đấu giao lưu cho các trọng tài và tình nguyện viên[29][30]. Cả hai lần, Campuchia đều bị xử thua 0-3, qua đó xếp hạng 8 chung cuộc ở nội dung này. Hành động trên của đội tuyển nữ Campuchia được cho là bắt nguồn từ kết quả thi đấu kém cỏi của đội tại vòng bảng[28].

Xô xát tại chung kết bóng đá nam

Trong trận chung kết môn bóng đá nam giữa U-22 IndonesiaU-22 Thái Lan, các cầu thủ và ban huấn luyện của hai đội đã tấn công lẫn nhau ở cuối hiệp 2 và đầu hiệp phụ, buộc trọng tài phải rút ra 7 thẻ đỏ và 12 thẻ vàng.[31] Nguồn cơn ẩu đả xuất phát từ màn ăn mừng bàn thắng thái quá của Thái Lan, sau khi Yotsakon Burapha gỡ hoà 2–2 ở những giây bù giờ cuối cùng hiệp 2. Trợ lý cùng các cầu thủ dự bị và một vài thành viên khác trong ban huấn luyện Thái Lan chạy về phía Indonesia ăn mừng bàn thắng đầy khiêu khích. Hành động này nhằm trả đũa cho việc Indonesia lao vào sân mừng chiến thắng trước đó 1 phút, trong khi thực tế, họ đã nhầm tưởng trận đấu kết thúc khi trọng tài thổi còi đá phạt.[32]

Chứng kiến màn khiêu khích của người Thái, cầu thủ dự bị Titan Agung của Indonesia lao đến đạp trợ lý huấn luyện viên của Thái Lan, thổi bùng bạo lực. Hai người này sau đó phải nhận thẻ đỏ trực tiếp. Đầu hiệp phụ, Indonesia nâng tỷ số lên 3–2, và cầu thủ của họ lao về phía Thái Lan để đáp trả. Một cuộc hỗn chiến khác nổ ra ngay bên ngoài sân. Thủ môn Thái Lan Soponvit nhảy lên đấm vào mặt trung vệ Komang, sau đó bị đánh trả. Cả hai phải nhận thẻ đỏ vì tình huống này, cùng với ba thành viên khác trong ban huấn luyện hai đội. Cuộc ẩu đả căng thẳng đến mức lực lượng cảnh sát đã phải vào sân để can ngăn, hạ nhiệt những cái đầu nóng. Khi thi đấu trở lại, cả hai đội đều còn 10 người trên sân. Thái Lan thậm chí còn mất thêm 2 cầu thủ nữa, khi Jonathan KhemdeeTeerasak Phoephimai nhận lần lượt tấm thẻ vàng thứ hai và thẻ đỏ trực tiếp ở các phút sau đó. Chung cuộc, U-22 Indonesia thắng U-22 Thái Lan 5–2 và lên ngôi vô địch sau 32 năm chờ đợi.[33]

Truyền thông Indonesia đã lên tiếng việc trưởng đoàn bóng đá nước này Kombes Pol Sumardji bị tấn công khi trận đấu diễn ra, nhưng ông cho biết "đã cố gắng can ngăn mọi người lại nhưng chính tôi là người bị đánh".[34] Báo Antaranews cho biết ông Sumardji bị chảy máu môi vì vụ xô xát. Sumardji cho biết ông đã gửi lời xin lỗi tới ban huấn luyện của U-22 Thái Lan về vụ ẩu đả. CNN Indonesia mô tả trong lúc giằng co, ông Sumardji đã bị một thành viên ban huấn luyện U-22 Thái Lan đẩy ngã xuống sân. Trưởng đoàn sau đó đã được 2 nhân viên ban huấn luyện của mình dìu về chỗ ngồi.[35] Ông Yutthana Yimkarun quyết định từ chức Giám đốc Kỹ thuật LĐBĐ Thái Lan (FAT) kiêm trưởng đoàn đội Thái Lan sau vụ hỗn chiến ở chung kết SEA Games 32.[36] Ban kỷ luật LĐBĐ châu Á (AFC) sẽ điều tra trước khi ra án phạt tiền và treo giò các thành viên Thái Lan, Indonesia tham gia ẩu đả ở chung kết SEA Games 32.[37] Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Indonesia (NOC) Raja Sapta Oktohari cùng với Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) dự định sẽ báo cáo với Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) sau ẩu đả.[38]

Sau khi xô xát xảy ra, FAT đã mời tướng Amnuay Nimmano chỉ đạo Ủy ban điều tra để làm rõ vụ việc. Quá trình điều tra diễn ra từ ngày 18/5 đến 22/5. Đến ngày 18/5, FAT công bố kết quả. Theo đó, HLV thủ môn Prasadchok Chokmoh, trợ lý HLV Phatrawut Wongsripuek và quan chức đi cùng đội Mayid Madada bị cấm làm việc ở các đội tuyển quốc gia một năm. Theo Thairath, ba người này bị buộc tội vi phạm quy tắc đạo đức và chuẩn mực cho cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thể thao, theo điều lệ của FAT. Hai cầu thủ tham gia xô xát, gồm thủ môn Sohonwit Rakyath và cầu thủ dự bị Teerapak Pruengna, bị cấm khoác áo các đội tuyển trong sáu tháng. FAT tuyên bố nương tay với hai cầu thủ này vì họ còn trẻ và đã đưa ra lời xin lỗi sau vụ bạo loạn.[39]

Cầu thủ Thái Lan bị chỉ trích vì ném HC bạc SEA Games

Sau trận chung kết môn bóng đá nam, Quốc vụ khanh Bộ Thông tin Campuchia Chum Kosal yêu cầu Thái Lan giáo dục lại trung vệ Jonathan Khemdee vì hành xử thiếu tế nhị sau chung kết môn bóng đá nam SEA Games 32. Kèm với đó là ba ảnh chụp Khemdee ném HC bạc lên khu vực khán đài có các CĐV Thái Lan. Khemdee đã lên tiếng thanh minh rằng anh muốn tặng huy chương cho một CĐV thân thiết. Nhưng cách giải thích đó không đủ thuyết phục, thậm chí khiến trung vệ của Thái Lan nhận thêm chỉ trích. Trước đó, tài năng 21 tuổi lai Đan Mạch đã gây bức xúc ngay trước chung kết đã tuyên bố không khoác áo bất kỳ đội tuyển nào của Thái Lan nữa sau SEA Games 32, để tập trung cho sự nghiệp CLB.[40]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tranh cãi tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 https://en.tempo.co/read/1722425/cambodia-apologiz... https://amp.bolatimes.com/arena/2023/05/10/181209/... https://www.bworldonline.com/sports/2023/01/11/497... https://www.cnnindonesia.com/olahraga/202305052020... https://www.cnnindonesia.com/olahraga/202305081253... https://sport.detik.com/sport-lain/d-6706297/bende... https://www.detik.com/jateng/berita/d-6711228/hebo... https://www.ibtimes.com/2023-southeast-asian-games... https://www.khmertimeskh.com/501223717/muay-thai-r... https://www.kompas.com/sports/read/2023/05/11/0459...